Bộ môn Đo ảnh - Viễn thám

 Văn phòng: Phòng 10.06, nhà C12 tầng khu A Trường ĐH Mỏ - Địa chất

 Địa chỉ: Số 18, phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Liêm, TP. Hà Nội

 Điện thoại: 0243.8387987

 Email: tracdiaanh@humg.edu.vn; doanhvientham@gmail.com

LÃNH ĐẠO BỘ MÔN


 GVC.TS Trần Trung Anh

Trưởng bộ môn

PGS.TS.GVCC Nguyễn Văn Trung

Phó Trưởng bộ môn

TS Trần Hồng Hạnh

Phó Trưởng bộ môn

1. ĐỘI NGŨ CÁN BỘ


1. GVC.TS Trần Trung Anh - Trưởng bộ môn,

2. PGS.TS.GVCC Nguyễn Văn Trung - Phó Trưởng bộ môn, Bí thư chi bộ Trắc địa 4

3. TS Trần Hồng Hạnh - Phó Trưởng bộ môn, Chi ủy viên Chi bộ Trắc địa 4

4. PGS.TS.GVCC Trần Xuân Trường - Bí thư Đảng ủy Trường, Chủ tịch Hội đồng Trường, Phó giám đốc

5. PGS.TS.GVCC Trần Vân Anh - CBGD

6. TS Lê Thu Trang - CBGD

7. GVC.TS Phạm Hà Thái - CBGD

8. TS Trần Thanh Hà - CBGD

9. TS Nguyễn Bá Duy - CBGD

10. ThS Lê Thanh Nghị - CBGD

11. NCS.ThS Nguyễn Minh Hải - CBGD 

12. ThS Phạm Thị Thanh Hòa - CBGD

13. ThS Đoàn Thị Nam Phương - CBGD

2. GIỚI THIỆU CHUNG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN


Ngày 08 tháng 8 năm 1966, Thủ tướng chính phủ đã ra quyết định số 147/CP tách khoa Mỏ - Địa chất khỏi trường Đại học Bách Khoa để thành lập trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Khi đó trường Đại học Mỏ - Địa chất được giao nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế có trình độ đại học cho các ngành đo đạc bản đồ, thăm dò địa chất, khai thác mỏ.
Ngày 15 tháng 11 năm 1966, trường Đại học Mỏ - Địa chất chính thức khai giảng khóa học đầu tiên (khóa 11) gồm 3 khoa chuyên môn là khoa Trắc Địa, khoa Mỏ và khoa Địa chất. Khoa Trắc Địa lúc đó gồm có bộ môn Bản Đồ - Ảnh (tiền thân của bộ môn Đo ảnh và Viễn thám ngày nay),bộ môn Cao cấp - Công trình,bộ môn Trắc địa Phổ thông,bộ môn Trắc địa Mỏ và tổ máy Trắc địa.Bộ môn Bản đồ -Ảnh với tổ trưởng đầu tiên là kỹ sư Trần Đôn gồm có hai nhóm độc lập về chuyên môn là nhóm Bản đồ và nhóm Trắc địa ảnh. Những nhân lực đầu tiên là: thầy Lê Nguyên Lợi, thầy Trương Anh Kiệt, thầy Lê Ngọc Nam, thầy Trần Tấn Lộc, thầy Nguyễn Viết Liêu, cô Hoàng Phương Nga.Hai năm sau bổ sung thêm thầy Phan Văn Lộc, thầy Trần Trung Hồng, thầy Lê Văn Hường, cô Nguyễn Thị Băng Tâm, thầy Nguyễn Kim Phong.Các nhân viên phòng thí nghiệm gồm có cô Hoàng Thị Hời, cô Lê Thị Phụng, thầy Nguyễn Kinh Luân, thầy Lê Tự Cường, thầy Đỗ Chính Đại.
Hai ngành đào tạo lớn gần như là độc nhất ở trong nước mà vẻn vẹn chỉ có 12 kỹ sư,trong đó 80% được đào tạo ở Trung Quốc và Liên xô (cũ),nhưng con số phục vụ thực tế chỉ khoảng  9 kỹ sư, vì các giáo viên được lần lượt cử  đi làm Nghiên Cứu Sinh (NCS) ở nước ngoài như thầy Lê Nguyên Lợi (1967), thầy Trương Anh Kiệt(1968), thầy Trần Đôn (1969, sau chuyển công tác sang cơ quan khác 1972).
Tuy vậy những con người khai sáng cho ngành Bản đồ và Trắc địa ảnh nước nhà đã nhận thức sáng suốt tầm quan trọng của công tác đào tạo, cho nên ngay từ đầu đã chú trọng các vấn đề về định nghĩa các thuật ngữ và soạn bài giảng, trong đó xem trọng giáo án và dịch thuật.Tuần nào cũng họp bộ môn để thảo luận và định nghĩa thống nhất một vài thuật ngữ chuyên môn.Công việc này càng về sau càng thấy ý nghĩa quan trọng.Vì chính các thuật ngữ được nhào nặn kỹlưỡng lúc bấy giờ,sau này trở thành nền tảng cho cách diễn đạt thống nhất,dễ hiểu trong công tác đào tạo và sản xuất,góp phần làm trong sáng tiếng Việt.
Trang thiết bị của bộ môn lúc đó hết sức ít ỏi và thô sơ.Bộ môn có một máy triển tọa độ (kordinatograph),một máy đo lập thể (Stereokomparator 18*18), một máy chụp ảnh mặt đất (Phototheodolid 13*18),vài chiếc máy chụp ảnh quang cơ,vài bộ kính lập thể đơn giản.Tất cả các thiết bị lớn đều do Phòng Đồ Bản,tiền thân của cục Bản Đồ Quân Sự thuộc Bộ Tổng Tham Mưu tặng.
Trong những năm đầu mới thành lập,do điều kiện chiến tranh sơ tán,bộ môn theo nhà trường di chuyển lên Lạng Sơn, qua Hà Bắc, về Hưng Yên.Trường lớp tự làm bằng tranh tre nứa lá,các giáo viên sơ tán ở nhờ nhà dân,hàng ngày chủ yếu ăn uống theo bếp ăn tập thể của khoa Trắc Địa.Cuộc sống vật chất vô cùng khó khăn thiếu thốn,cho nên về sau có một số giáo viên, nhân viên không thể trụ nổi,đã xin chuyển đi sang cơ quan khác,về gần Hà Nội hơn.Người ở lại vẫn kiên trung vượt mọi khó khăn vất vả không ngừng làm cho bộ môn ngày càng lớn mạnh, nâng cao dần chất lượng đào tạo theo nhịp độ phát triểncủa khoa học kỹ thuật thời đại.
Hè 1971 vỡ đê sông Đuống, bộ môn cùng khoa Trắc địa chuyển hết lên huyện Phổ Yên,tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Nhà trường cho xây dựng trường lớp và khu tập thể cho cán bộ và sinh viên của khoa ở sát bờ sông Công thơ mộng.Nhà cửa tất cả đều bằng tre nứa do giáo viên, sinh viên tự khai thác và xây dựng.Đời sống vật chất không có gì thay đổi.Gạo không phong phú như ở đồng bằng,nhưng khoai sắn nhiều hơn,đặc biệt đời sống tinh thần có vui vẻ hơn vì mọi người ở gần nhau hơn.Nhân lực của bộ môn có thiếu vắng một số người cũ, nhưng đông hơn.Bộ môn không có tổ trưởng, tổ phó thầy Nguyễn Viết Liêu phụ trách nhóm Bản đồ, tổ phó thầy Phan Văn Lộc phụ trách nhóm Trắc địa ảnh.Đến đầu năm 1974 nhóm bản đồ gồm: thầy Nguyễn Viết Liêu, thầy Trần Trung Hồng, thầy Triệu Văn Hiến, thầy Nguyễn Đình Trà, cô Nguyễn Thị Băng Tâm, thầy Bùi Đăng Hiền, cô Nguyễn Thị Đức.Nhóm Trắc Địa Ảnh gồm: thầy Phan Văn Lộc, thầy Lê Văn Hường, thầy Lê Bá Thân, thầy Phạm Vọng Thành, thầy Nguyễn Hanh Thành, thầy Đỗ Phương Vị, thầy Lương Chính Kế, cô Hoàng Thị Hời, thầy Lê Tự Cường.
Trong công tác đào tạo nhóm Trắc địa ảnh chủ trương tăng cường gắn bó với các cơ sở sản xuất để giải quyết tốt khâu thực tập cho sinh viên, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học phục vụ thực tiễn.Thông qua đó bám sát nhu cầu của sản xuất,đặc biệt rèn luyện kiến thức thực tế cho giáo viên và sinh viên. Phương hướng này được ban giám hiệu ủng hộ mạnh mẽ.Những năm tiếp theo, cách làm này đã phát huy tác dụng trên nhiều mặt của đào tạo, đời sống giáo viên và trở thành một thế mạnh của bộ môn.Một điều quan trọng trong công tác đào tạo của giai đoạn này cần thiết phải nhắc đến,đó là sự chuyển đổi kịp thời về chất lượng bài giảng, tất cả thuật toán được trình bày trong các bài giảng Trắc địa ảnh đã được chuyển đổi từ công thức diễn giải thông thường sang thuật toán vector.Đây được xem là biểu hiện sự tự đào tạo của  giảng viên để phù hợp với sự phát triển của máy tính điện tử.
Hè năm 1974,thầy Trương Anh Kiệt bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ,trở về bộ môn, đây là thời điểm chín muồi để tách bộ môn Bản đồ- Ảnh thành hai bộ môn Bản đồ và bộ môn Trắc địa ảnh.Tháng 11 năm 1974, bộ môn Trắc địa ảnh chính thức được thành lập với tổ trưởng mới là thầy Trương Anh Kiệt. Trong giai đoạn này,thầy giáo và sinh viên về ở khu vực “21 ha” khu chợ Mỏ Chè,gần quốc lộ 3, lớp học,phòng thí nghiệm được xây dựng bằng gạch lợp ngói viprô xi măng, toàn là nhà cấp bốn, nhưng so với trước đã là một bước nhảy đáng kể.Thiết bị phòng thí nghiệm được bổ sung một máy đo vẽ lập thể STREOGRAPH SD3 của Liên Xô. Mối quan hệ giữa bộ môn và xí nghiệp đo vẽ của cục Đo đạc Bản đồ nhà nước có mối liên hệ mật thiết,do vậy sinh viên được định kỳ gửi đến thực tập trên những thiết bị đo vẽ mới của Cộng hòa dân chủ Đức và Liên Xô, nhờ vậy lý thuyết và thực tế được gắn kết khá tốt.Sinh viên tốt nghiệp từ ngành Trắc địa ảnh được nhận vào các cơ sở sản xuất của Cục Đo đạc Bản đồ cũng như ở cục Bản Đồ bộ Tổng Tham Mưu và một số cơ quan khác,kỹ sư ra trường có thể tham gia sản xuất ngay, chất lượng đào tạo kỹ sư Trắc địa ảnh được đánh giá tốt.
Từ năm 1975 trở đi, ở trường đại học Mỏ -Địa chất đã hình thành những kế hoạch đề nghị chính phủ cho trường chuyển về Hà Nội.Qua nhiều gian truân vất vả,cuối cùng kế hoạch trở về Hà Nội đã thành công.Năm 1982, lớp Trắc Địa Ảnh  K-25 là lớp đầu tiên được bảo vệ đồ án tốt nghiệp tại Hà Nội.Lúc này đội ngũ giáo viên của bộ môn Trắc địa ảnh đã có thay đổi về chất với 3 phó tiến sỹ (nay gọi là tiến sỹ) là:thầy Trương Anh Kiệt, thầy Phan Văn Lộc, thầy Lê Văn Hường,trong đó thầy Trương Anh Kiệt đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sỹ khoa học.Số lượng giáo viên cũng tăng lên đáng kể, nhân lực bộ môn lúc đó gồm: thầy Phan Văn Lộc trưởng bộ môn, thầy Phạm Vọng Thành phó trưởng bộ môn, thầy Lê văn Hường, thầy Nguyễn Hanh Thành, thầy Đỗ Phương Vị, thầy Lương Chính Kế, thầy Trần Đình Trí, thầy Nguyễn Trường Xuân, thầy Nguyễn Thế Lai, thầy Lê Thành Chung, cô Hoàng Thị Hời và cô Nguyễn Thị Thanh.Khi thầy Trương Anh Kiệt trở về nước tiếp tục đảm nhiệm trách nhiệm trưởng bộ môn.Đây là một tập thể mạnh toàn diện có nhiều thành tích trong đào tạo,xuất sắc trong thi đua yêu nước.
Sau 1985,tức là từ khóa 31 trở đi khoa Trắc địa chuyển đổi mô hình đào tạo chuyên sâu thành mô hình  rộng,tức là không còn chuyên ngành trắc địa cao cấp,trắc địa công trình,trắc địa ảnh mà gọi chung là kỹ sư trắc địa, nay là kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ.
Những năm 90 của thế kỷ XX, giai đoạn bắt đầu có những bước tiến trong công nghệ số, các vấn đề học thuật phát triển cũng được các nhà khoa học đầu ngành của bộ môn quan tâm. Sự đầu tư về trang thiết bị có những cải thiện đáng kể nhằm đáp ứng những yêu cầu hiện đại về đào tạo của bộ môn như: hệ thống định vị vệ tinh GPS, Viễn thám (Remote Sensing), Hệ thông tin địa lý (GIS). Năm 1992, thầy Phạm Vọng Thành đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ cấp nhà nước tại bộ môn, 5 năm sau (1997) thầy Nguyễn Trường Xuân cũng bảo vệ luận án tiến sĩ thành công, đây là nguồn bổ sung nhân lực trình độ cao quan trọng cho đào tạo chất lượng tiên tiến của bộ môn trong thời kỳ mở cửa của đất nước. Công tác xây dựng lực lượng cán bộ kế cận cũng được đầu tư, các sinh viên xuất sắc tốt nghiệp tại bộ môn được ở lại công tác như cô Trần Vân Anh (1995), thầy Trần Xuân Trường (1998), thầy Nguyễn Văn Trung (1999), những lực lượng bổ sung cần thiết cho giai đoạn phát triển hiện đại của bộ môn.
Sau năm 2000, những năm đầu của thế kỷ mới, sự phát triển rầm rộ của công nghệ thông tin, công nghệ mạng … cùng với công nghệ viễn thám, đo ảnh số ngày càng phổ biến. Bộ môn đã được trang bị các trạm đo vẽ ảnh số, các phần mềm xử lý ảnh viễn thám, công nghệ định vị vệ tinh, công nghệ đo sâu, các phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu GIS cũng đã được đầu tư quan tâm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đào tạo hiện đại. Theo yêu cầu cải cách mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều NCS đã được bảo vệ luận án tiến sĩ thành công tại bộ môn, trong đó có cán bộ của bộ môn như thầy Trần Đình Trí (2005), thầy Trần Trung Anh (2011). Song song với đó là sự hoàn thiện học vị của các cán bộ trẻ của bộ môn với chủ trương đúng đắn là đào tạo tại các nước phát triển về công nghệ. Cô Trần Vân Anh bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ ngành Địa tin học tại đại học thành phố Osaka Nhật Bản năm 2007. Thầy Trần Xuân Trường bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ ngành khoa học trái đất, vũ trụ và môi trường tại Đại học Grenoblecộng hòa Pháp năm 2010. Thầy Nguyễn Văn Trung bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ ngành Viễn thám tại đại học Yonsei Hàn Quốc năm 2012. Thầy Nguyễn Anh Tuấn bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ ngành khoa học trái đất và vũ trụ tại đại học Paul Sabatier cộng hòa Pháp năm 2013. Với chủ trương đó, lần lượt các cán bộ trẻ của bộ môn được cử đi học nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại các nước phát triển: thầy Phạm Hà Thái NCS tại Pháp, cô Trần Hồng Hạnh NCS tại Bỉ, cô Lê Thu Trang NCS tại Pháp, thầy Nguyễn Bá Duy NCS tại Áo. Đến naym các thầy cô như thầy Phạm Hà Thái, cô Lê Thu Trang, cô Trần Hồng Hạnh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đã trở về công tác tại Bộ môn và đóng góp đáng kể vào hoạt động giáo dục và NCKH của Bộ môn. Các cán bộ là những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được bổ sung cho nguồn nhân lực của bộ môn để gánh vác trách nhiệm giảng dạy, hướng dẫn thí nghiệm như cô Trần Thanh Hà (2004), Trần Phương Ly (2006), Lê Thanh Nghị (2010), Nguyễn Minh Hải (2011), Phạm Thanh Hòa (2012),Đoàn Thị Nam Phương (2012). Thế hệ tiếp nối của bộ môn vẫn rất hùng hậu,sẵn sàng thích ứng với nhiệm vụ mới với sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật hiện đại. Truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo,khắc phục mọi khó khăn gian khổ hoàn thành nhiệm vụ,thi đua yêu nước được duy trì và phát triển không ngừng.
Bộ môn Đo ảnh và Viễn thám có truyền thống đoàn kết tốt từ thuở mới ra đời.Việc đào tạo cán bộ trẻ,cụ thể là các thầy giáo mới,được quan tâm liên tục.Đội ngũ giáo viên mới được chọn lọc nghiêm túc và được đào tạo bài bản,theo đúng chương trình do bộ môn vạch trước.Chính nhờ quyết sách đúng đắn này,bộ môn Đo ảnh và Viễn thám trải qua nhiều biến động thăng trầm của thực tế khách quan, vẫn không bị hẫng hụt đội ngũ giáo viên và cán bộ phụ trách bộ môn.Truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo,khắc phục mọi khó khăn gian khổ hoàn thành nhiệm vụ,thi đua yêu nước được duy trì và phát triển không ngừng.Bộ môn đã vinh dự nhận huân chương lao động hạng ba của chủ tịch nước,nhiều bằng khen của chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Nhà trường, của các tỉnh và thành phố.

3. CƠ CẤU CÁN BỘ VIÊN CHỨC TRONG ĐƠN VỊ


Hiện nay, Bộ môn Đo ảnh và Viễn thám thuộc Khoa Trắc Địa - Bản đồ và Quản lý đất đai, Trường Đại học Mỏ - Địa chất với tổng số cán bộ, viên chức là 14 người: 03 PGS, 08 TS, 06 ThS, trong đó 01 CB đang làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài (Áo: 01)

4. CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ PHÒNG THÍ NGHIỆM


Hiện Bộ môn đang quản lý 2 phòng thí nghiệm với một số máy móc, thiết bị chuyên ngành khá hiện đại và tiên tiến như trạm đo vẽ ảnh số, máy chụp ảnh kỹ thuật số, máy toàn đạc điện tử.... Dù còn thiếu đồng bộ và khá khiêm tốn nhưng đó cũng là công cụ đắc lực trong việc giảng dạy thực hành cho sinh viên trong tương lai gần có thể đáp ứng từng phần cho công tác đào tạo sau đại học.

5. HOẠT ĐỘNG CHÍNH VÀ CÁC KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC


5.1. Công tác đào tạo

Công tác giảng dạy của Bộ môn có chất lượng tốt, đảm bảo các Quy chế giảng dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường. Những kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo tại Bộ môn, đại bộ phận đã đáp ứng tốt yêu cầu công việc chuyên môn, có đóng góp tích cực, hiệu quả cho các cơ sở sản xuất và nghiên cứu. Đến nay, Bộ môn đã đào tạo được gần 400 thạc sĩ, đã có hơn 20 tiến sĩ đã bảo vệ thành công, hiện cũng đang có hơn 10 nghiên cứu sinh đang nghiên cứu...
Năm 2013, Bộ môn đã tiếp quản một chuyên ngành mới Trắc địa ảnh, Viễn thám và Hệ Thông tin Địa lý với khóa đầu tiên (60 kỹ sư K54) ra trường. Tiếp nối sự phát triển đó, hàng năm Bộ môn vẫn giảng dạy cho lớp kỹ sư Trắc địa - Bản đồ nói chung, các môn tự chọn chung của toàn Trường theo hệ thống tín chỉ như: Viễn thám, cơ sở GIS, cơ sở đo ảnh … là những thế mạnh hàng đầu của Bộ môn. Những môn học mới như WebGIS, GIS mã nguồn mở, lý thuyết khớp ảnh, lập trình GIS, viễn thám siêu cao tần, viễn thám Radar, lý thuyết LIDAR, đo ảnh phạm vi gần, bay chụp ảnh không người lái UAV… đã khẳng định xu thế bắt kịp thời đại của Bộ môn. Bên cạnh đó, các lớp cao học, các nghiên cứu sinh chọn Bộ môn Đo ảnh và Viễn thám làm nơi nghiên cứu, nâng cao trình độ cũng đã khẳng định vị thế của Bộ môn trong thời đại mới.
Bộ môn có nhiều sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy trong công tác đào tạo, luôn luôn quán triệt chủ trương đường lối cải cách giáo dục của Đảng và Nhà nước, kết hợp với các cơ sở sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, mục tiêu và nội dung đào tạo. Công tác cải tiến phương pháp giảng dạy được thể hiện rõ trong các báo cáo sáng kiến của các cán bộ giảng dạy Bộ môn đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trong các năm vừa qua, có thể tóm tắt như sau: Cập nhập kiến thức mới trong công tác giảng dạy, hoàn thiện và bổ sung phong phú nội dung giảng dạy, kết hợp lý thuyết với thực hành, đào tạo bồi dưỡng lực lượng cán bộ giảng dạy trẻ, tổ chức các buổi học thuật trao đổi phương pháp giảng dạy giữa các cán bộ có thâm niên trong công tác giảng dạy với các cán bộ trẻ, tổ chức giảng thử và dự giờ các cán bộ trẻ, viết giáo trình, hướng dẫn thực tập, thí nghiệm của sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

5.2. Đề tài công trình NCKH và dự án

Cán bộ bộ môn đã chủ trì và tham gia thực hiện 07 đề tài cấp Nhà nước trong đó 06 đề tài đã nghiệm thu cấp Nhà nước, 01 đề tài đang triển khai; chủ trì và tham gia thực hiện 16 đề tài NCKH cấp Bộ, 12 đề tài NCKH cấp cơ sở. Ngoài ra, cán bộ của bộ môn cũng có gần 50 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế, gần 200 bài báo đăng trong các tạp chí trong nước và rất nhiều các báo cáo tại các Hội nghị khoa học trong và ngoài nước.NCKH đã trở thành trách nhiệm thường xuyên của các giảng viên. Hơn thế nữa, nhờ sự nhiệt tình hướng dẫn của nhiều thầy cô nên năm nào cũng có đề tài NCKH sinh viên được giải cấp Trường. Phong trào đã góp phần khơi dậy tính năng động, sáng tạo và rèn luyện tính trung thực, khoa học đối với sinh viên, tạo cho họ lòng tự tin và bản lĩnh tốt khi bước vào đời.
Các cán bộ của Bộ môn cũng tham gia các dự án sản xuất, ứng dụng chính các kiến thức giảng dạy vào thực tiễn như các dự án bay chụp ảnh UAV thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn ở Bắc Ninh, Ninh Bình… dự án đo sâu hồi âm, xây dựng cơ sở dữ liệu ở nhiều địa phương… thể hiện tính thực tiễn cao, làm chủ quy trình công nghệ mới.

  • Cấp Nhà nước

1. Ứng dụng các công nghệ và kỹ thuật mới trong công tác đo đạc bản đồ biển, Mã số KT05-03, Tham gia, Nghiệm thu 1995
2. Ứng dụng chụp ảnh số phổ thông vào việc đo vẽ bản đồ địa hình và xác định khối lượng khai thác ở mỏ lộ thiên, Mã số , Nghiên cứu thực nghiệm, Nghiệm thu 2006
3. Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh VNREDSat-1 trong công tác giám sát và quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường khu vực trung du Bắc Bộ, ứng dụng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Mã số, Tham gia, Nghiệm thu 2014.
4. Nghiên cứu, đánh giá kiến tạo hiện đại khu vực ven biển miền Trung Việt Nam và vai trò của nó đối với các tai biến thiên nhiên phục vụ dự báo và phòng tránh thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, Mã số BĐKH-42, Tham gia, Nghiệm thu 11/2015
5. Nghiên cứu quá trình kiến tạo hiện đại khu vực ven biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cảnh báo, dự báo sớm những tai biến địa chất, thiên tai, Mã số , Tham gia, Nghiệm thu 2016.
6. Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp dự báo lún mặt đất thành phố Hà Nội bằng kỹ thuật ra-đa giao thoa, Mã số ĐTĐL.2012-T/28, Tham gia, Nghiệm thu 06/2016

  • Cấp Bộ

1. Xây dựng thuật toán và quy trình công nghệ đo vẽ ảnh giải tích được chụp từ khoảng cách gần bằng máy chụp ảnh không chuyên trong lĩnh vực phi địa hình, Mã số , Nghiệm thu 2004
2. Xây dựng thuật toán và qui trình công nghệ đo vẽ giải tích ảnh được chụp từ khoảng cách gần bằng các máy chụp ảnh không chuyên trong lĩnh vực phi địa hình, Mã số B2002-36-31, Chủ trì, Nghiệm thu 21/09/2004
3. Ứng dụng công nghệ đo ảnh số vào công tác đo vẽ hiện trường tai nạn giao thông đường bộ, Mã số B2007-02-36, chủ trì, Nghiệm thu 2009
4. Tích hợp tư liệu viễn thám và GIS để thành lập BĐHT sử dụng đất cấp xã, huyện Chư-prông tỉnh Gia Lai, Mã số KC-GL(07), Tham gia, Nghiệm thu 12/2010
5. Nghiên cứu ứng dụng phương pháp InSAR vi phân trong quan trắc lún đất do khai thác nước ngầm, Mã số , Tham gia, Nghiệm thu 09/2010
6. Ứng dụng công nghệ tích hợp tư liệu viễn thám và hệ thống thông tin địa lý để thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, Mã số KC-GL(07)/2009, Tham gia, Nghiệm thu 12/2010
7. Nghiên cứu phương pháp xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu địa lý bằng công nghệ WebGIS – Thực nghiệm tại khu vực nội thành Hà Nội, Mã số B2010-02-87, Tham gia,Nghiệm thu 12/2012
8. Xây dựng bộ ảnh mẫu dạng số và phần mềm xử lý giải tích ảnh, Mã số B2010-02-86, Chủ trì, Nghiệm thu 13/03/2013
9.  Nghiên cứu phương pháp xác định độ cao địa hình mặt biển bằng số liệu đo cao vệ tinh trên Biển Đông, Mã số B2014-02-18, Tham gia, Nghiệm thu 11/2016

  • Cấp cơ sở

1. Thuật toán xây dựng mô hình đơn giải tích, Mã số , Chủ trì, Nghiệm thu 3/1996
2. Nghiên cứu công nghệ ảnh số với sự áp dụng một số Modul của hệ PHOTOMOD, Mã số , Chủ nhiệm, Nghiệm thu 2001
3. Lựa chọn kênh phổ của ảnh vệ tinh thích hợp cho công tác phân loại để thành lập bản đồ, Mã số 20 NB/2001, Chủ trì, Nghiệm thu 15/12/2002
4. Phương pháp thực nghiệm xác định độ phân giải quét ảnh hợp lí trong công tác thành lập bản đồ địa hình bằng công nghệ ảnh số, Mã số , Chủ nhiệm, Nghiệm thu 2004
5. Ước tính độ chính xác lưới tam giác ảnh không gian theo phương pháp đo ảnh số và đo ảnh tương tự, Mã số T38/07, Chủ trì, Nghiệm thu 2007
6. Khảo sát ảnh hưởng của mật độ điểm lấy mẫu và đặc điểm của địa hình đến độ chính xác xây dựng mô hình số độ cao bằng công nghệ ảnh số, Mã số T39/08, Chủ trì, Nghiệm thu 2008
7. Nghiên cứu xây dựng phần mềm kiểm định máy chụp ảnh số phổ thông phục vụ mục đích đo ảnh địa hình, Mã số N2009-30, chủ trì, Nghiệm thu 12/2009
8. Xác định khu vực cây xanh đô thị Hà Nội bằng chỉ số thực vật NDVI, Mã số T42/09, Chủ nhiệm đề tài, Nghiệm thu 30/11/2009
9. Nghiên cứu xây dựng chương trình nắn và tự động tìm kiếm điểm ảnh cùng tên trên cặp ảnh lập thể, Mã số N2010-24, chủ trì, Nghiệm thu 12/2010
10. Nghiên cứu quan trắc nhiệt độ bề mặt nước biển khu vực biển Đông Việt Nam bằng ảnh vệ tinh hồng ngoại nhiệt, Mã số T49/10, Chủ nhiệm đề tài, Nghiệm thu 2010
11. Nghiên cứu xử lý ảnh radar SAR cho xác định nhanh vùng ngập lụt bằng phần mềm miễn phí mã nguồn mở, Mã số T11-22, Chủ nhiệm, Nghiệm thu 12/2011
12. Nghiên cứu tích hợp công nghệ WebGIS mã nguồn mở Geoserver với Openlayer trong việc xây dựng trang web chia sẻ dữ liệu tài nguyên môi trường, Mã số T12-43, Chủ nhiệm, Nghiệm thu 12/2012
13. Nghiên cứu khả năng đánh giá biến động lớp phủ đất sử dụng phương pháp phân tích vector (CVA), Mã số T12/07, Chủ nhiệm đề tài, Nghiệm thu 18/12/2012
14. Nghiên cứu xây dựng thuật toán và chương trình nâng cao hiệu quả giám sát độ ẩm đất từ dữ liệu ảnh vệ tinh, Mã số T13-26, Tham gia, Nghiệm thu 12/2013
15.  Xây dựng chương trình lọc điểm trong công nghệ LiDAR để thành lập mô hình số độ cao, Mã số T14-10, Chủ trì, Nghiệm thu 30/12/2014
16. Nghiên cứu, xây dựng chương trình ứng dụng GIS trên thiết bị di động phục vụ điều tra thu thập dữ liệu thời gian thực cho các đối tượng địa lý, Mã số T15-30, Chủ nhiệm, Nghiệm thu 12/2015
17. Xác định biến động đường bờ ở Cửa Đại, sông Thu Bồn, Quảng Nam sử dụng ảnh Landsat đa thời gian, Mã số T16-27, Chủ trì, Nghiệm thu 10/12/2016
18. Nghiên cứu khả năng sử dụng ảnh RADAR lập thể để thành lập mô hình số độ cao (Digital Elevation Model) trong điều kiện Việt Nam, Mã số T16-28, Chủ nhiệm, Nghiệm thu 12/2016
19. Nghiên cứu phương pháp phân tích sự thay đổi của các đối tượng trên bề mặt từ chuỗi ảnh RADAR độ mở tổng hợp (SAR) đa thời gian, Mã số, Chủ trì, Đang thực hiện 2017

5.3. Quan hệ hợp tác Quốc tế, Doanh nghiệp và Đào tạo

Về quan hệ quốc tế, Bộ môn có nhiều thầy cô được đào tạo bậc Tiến sĩ bài bản tại các trường đại học hàng đầu thế giới ở Nhật Bản, Pháp, Áo, Bỉ… vẫn giữ mối liên lạc thường xuyên, trao đổi học thuật, NCKH…
Bộ môn có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp trong nước về đào tạo và hợp tác sản xuất. Những kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo tại Bộ môn, đại bộ phận đã đáp ứng tốt yêu cầu công việc chuyên môn, có đóng góp tích cực, hiệu quả cho các cơ sở sản xuất và nghiên cứu. Trong số các kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ của Bộ môn, nhiều người đã công tác và nắm giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm viễn thám Quốc gia, Cục Đo đạc và bản đồ Việt Nam, Viện Khoa học đo đạc và bản đồ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…

5.4. Tài liệu, Sách, Giáo trình và Bài giảng

Đến nay Bộ môn đã xuất bản được 27 giáo trình chuyên ngành NXB và 09 giáo trình cấp Trường trong các lĩnh vực: Trắc địa ảnh, Công nghệ Viễn thám, Công nghệ LiDAR, GIS... Hoàn thành 11 giáo trình đào tạo thạc sỹ ngành Bản đồ, Viễn thám và GIS. Ngoài ra một số thầy cô còn tham gia biên soạn nhiều bộ sách tham khảo và cẩm nang khác.

  • Sách, Giáo trình và Bài giảng

1. Trương Anh Kiệt, Giáo trình trắc địa ảnh:  Phần công tác tăng dày khống chế ảnh, Đại học Mỏ - Địa Chất, 1990
2. Trương Anh Kiệt (Chủ biên), Giáo trình trắc địa ảnh: Phần Cơ sở đo ảnh, Đại học Mỏ - Địa chất, 1990
3. Lê Văn Hường (Chủ biên), Giáo trình trắc địa ảnh: Phần Đo ảnh mặt đất, Đại học Mỏ - Địa chất, 1991
4. Phan Văn Lộc, Giáo trình trắc địa ảnh (Phần đo vẽ ảnh lập thể), Đại học Mỏ - Địa Chất, 1993
5. Trương Anh Kiệt, Trắc địa ảnh: Phần công tác tăng dày khống chế ảnh, Đại học Mỏ - Địa chất, 2000
6. Phạm Vọng Thành, Trắc địa ảnh: Phần đoán đọc điều vẽ ảnh, NXB Giao thông vận tải, 2000.
7. Phạm Vọng Thành, Trắc địa ảnh: Phần cơ sở chụp ảnh và chụp ảnh hàng không, Đại học Mỏ - Địa Chất, 2000
8. Trương Anh Kiệt, Trắc địa ảnh: Phần phương pháp đo ảnh đơn, Đại học Mỏ - Địa Chất, 2000
9. Phan Văn Lộc, Trắc địa ảnh: Phần phương pháp đo ảnh lập thể, Đại học Mỏ - Địa Chất, 2000
10. Đặng Văn Đức, Hệ thống thông tin địa lý, NXB KH&KT. Hà Nội, 2001
11. Trương Anh Kiệt, Giáo trình tài liệu hướng dẫn thực tập công tác tăng dày khống chế ảnh, Đại học Mỏ - Địa chất, 2004
12. Trương Anh Kiệt, Trắc địa ảnh: Phần Công tác tăng dày khống chế ảnh, Giao thông vận tải, 2004
13. Phạm Vọng Thành, Mô hình số độ cao trong nghiên cứu tài nguyên và môi trường, NXB Khoa học Kỹ thuật, 2004
14. Phan Văn Lộc, Phạm Vọng Thành, Hướng dẫn thực tập đo ảnh và đoán đọc điều vẽ ảnh, Đại học Mỏ - Địa chất, 2004
15. Trương Anh Kiệt (chủ biên) - Lê Văn Hường, Trần Đình Trí, Trắc địa ảnh, NXB Khoa học và kỹ thuật, 2005
16. Phan Văn Lộc, Trương Anh Kiệt, Nguyễn Trường Xuân, Trắc địa ảnh :  Phần : Phương pháp đo ảnh đơn, Đại học Mỏ - Địa Chất, 2005
17. Phạm Vọng Thành, Máy chụp ảnh kỹ thuật số và ứng dụng của chúng trong công tác trắc địa bản đồ, NXB Giao thông vận tải, 2007
18. Phan Văn Lộc, Đo lập thể ảnh hàng không, NXB Giao thông vận tải, 2007
19. Trương Anh Kiệt, Hướng dẫn thực tập công tác tăng dày khống chế ảnh, Đại học Mỏ - Địa Chất, 2008
20. Phan Văn Lộc, Tự động hóa đo ảnh, Giao thông vận tải, 2008
21. GS.TSKH Trương Anh Kiệt (Chủ biên), PGS.TS Phạm Vọng Thành, Cơ sở đo ảnh - Giáo trình đại học cho ngành đào tạo kỹ thuật trắc địa và bản đồ, NXB Giao thông vận tải, 2009.
22. Nguyễn Trường Xuân, Lý thuyết khớp ảnh, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ, 2012
23. GS.TSKH Phan Văn Lộc (chủ biên) –  TS Trần Vân Anh, TS Trần Xuân Trường, TS Trần Trung Anh, KS Đỗ Phương Vị, Công nghệ đo ảnh, NXB Khoa học và kỹ thuật, 2012.
24. Phạm Vọng Thành, GIS ứng dụng :  Dùng cho sinh viên ngành đo ảnh, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý, Đại học Mỏ - Địa chất, 2013
25. Phạm Vọng Thành, Viễn thám ứng dụng :  Dùng cho sinh viên ngành đo ảnh, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý, Đại học Mỏ - Địa chất, 2013
26. Trần Đình Trí, Cơ sở kỹ thuật Lidar, Đại học Mỏ - Địa chất, 2013
27. Trần Vân Anh, Cơ sở viễn thám siêu cao tần, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2013
28. Nguyễn Văn Trung (Chủ biên) - Trịnh Thị Hoài Thu, Xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, 2013
29. Nguyễn Trường Xuân, Công nghệ 3S, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2014
30. Nguyễn Khắc Thời (chủ biên), Nguyễn Thị Thu Hiền, Phạm Hà Thái, Trắc địa ảnh, NXB Học viện Nông nghiệp, 2016

  • Sách chuyên khảo

1. Phạm Trọng Mạnh (chủ biên) - Phạm Vọng Thành, Cơ sở hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quy hoạch và quản lý đô thị, Xây dựng, 1999
2. Trần Đình Trí, Đo ảnh giải tích và đo ảnh số, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2009.
3. Doãn Hà Phong, Viễn thám hồng ngoại nhiệt trong dự báo cháy rừng ở Việt Nam, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ, 2012.

5.5. Công tác đoàn thể

Chi bộ Đảng trong Bộ môn luôn thể hiện là Chi bộ cơ sở vững mạnh, chỉ đạo sát sao các công tác chuyên môn, NCKH và PVSX, động viên quần chúng nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua của đoàn thể, tham gia các đợt thi tìm  hiểu về các tổ chức đoàn thể và tổ chức Đảng, nhiều cá nhân đã được khen thưởng qua các đợt thi đua này. Chi bộ Đảng luôn giúp đỡ và bồi dưỡng quần chúng tìm hiểu về Đảng, thực hiện tốt công tác phát triển Đảng.
Tổ Công đoàn luôn quan tâm đến tâm tư nguyện vọng, chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên, tạo điều kiện cho từng cá nhân ổn định trong cuộc sống, yên tâm công tác, đạt chất lượng và có hiệu quả tốt nhất.
Bộ môn tham gia đầy đủ các hoạt động đoàn thể của Nhà trường và Khoa, công tác phát triển Đảng, chi bộ vững mạnh trong sạch, các cán bộ của Bộ môn là Bí thư chi bộ đảng, bí thư chi đoàn cán bộ… giữ những trọng trách lãnh đạo cấp cao của Nhà trường.

5.6. Công tác và hoạt động sinh viên

Bộ môn thường xuyên giữ mối liên lạc với sinh viên, cán bộ bộ môn có đảm nhiệm các chức vụ như bí thư liên chi đoàn khoa, cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm nên trong các hoạt động học tập, NCKH và giới thiệu việc làm cho sinh viên… bộ môn luôn sâu sát nắm bắt tâm tư nguyện vọng của sinh viên, giải đáp các thắc mắc của sinh viên nhanh chóng và hiệu quả, được sinh viên tin yêu và quý mến.
Ngoài các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, bộ môn còn tổ chức các hoạt động thể thao, giao lưu văn nghệ giữa các khóalớp chuyên ngành, tăng cường sự học hỏi đoàn kết giữa sinh viên và giảng viên, tạo không khí sôi nổi, thi đua lành mạnh.

6. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN


Bộ môn luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ mới và sản xuất. Bộ môn là một tập thể đoàn kết, quan tâm và tạo điều kiện cho từng cá nhân ổn định trong cuộc sống để yên tâm công tác.Cán bộ của Bộ môn luôn bồi dưỡng, rèn luyện và tự rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong, gương mẫu và nhiệt tình trong công tác và các phong trào thi đua của đoàn thể và công đoàn của khoa cũng như của Nhà trường.
Trong những năm tới, các nghiên cứu khoa học của Bộ môn tập trung vào hướng ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến nhất của Viễn thám, Hệ thông tin địa lý, Công nghệ LiDAR, Công nghệ đo vẽ ảnh số… và vào các lĩnh vực xây dựng xây dựng cơ sở dữ liệu GIS, thành lập bản đồ địa hình, địa chính, bản đồ chuyên đề phục vụ cho các nghiên cứu tài nguyên và môi trường của các ngành kinh tế quốc dân và quốc phòng.
Bộ môn tiếp tục hoàn thiện xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, đề cương chi tiết học phần, các bài giảng giáo trình cập nhật hiện đại. Xây dựng Bộ môn trở thành trung tâm đào tạo, NCKH có uy tín, thương hiệu về lĩnh vực Đo ảnh, viễn thám và Hệ thông tin địa lý (GIS).Để đảm bảo công tác đào tạo và NCKH có hiệu quả Bộ môn thực hiện đồng bộ và kiên trì các khâu sau: luôn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ trong Bộ môn, thường xuyên đổi mới nội dung giảng dạy, phát triển phòng thí nghiệm trọng điểm để giúp ích cho công tác NCKH của cán bộ cũng như sinh viên và học viên cao học, đặc biệt là luôn cập nhật tình hình phát triển công nghệ trong nước và trên thế giới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao vị thế khoa học của Bộ môn;Mở rộng hợp tác và giao lưu với các cơ quan ngoài như Công ty, Viện nghiên cứu, các Nhà máy và cơ sở có liên quan đến hoạt động giảng dạy và làm việc thực tiễn của Bộ môn, gắn nghiên cứu với đào tạo và thực tiễn sản xuất; nâng cao số lượng các sản phẩm khoa học - công nghệ mang thương hiệu của Bộ môn, của Nhà trường. Xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành có uy tín.

7. KHEN THƯỞNG


Tất cả các cán bộ của Bộ môn đều có lòng nhiệt huyết, hết mình vì sự phát triển của Nhà trường. Bộ môn luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học nên đã được các cấp tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giấy khen của Hiệu trưởng Nhà trường... Cán bộ bộ môn cũng đã được trao nhiều phần thưởng cao quý vì các đóng góp của minh như các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, các danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, Lao động tiên tiến và nhiều phần thưởng cao quý khác.